Tiểu sử Grazia Deledda

Grazia Deledda sinh ở Nuoro, Sardinia (Ý) trong một gia đình giàu có, cha là luật sư, ba lần được bầu làm thị trưởng. Vào các kì nghỉ, gia đình Deledda thường có bạn bè của cha đến chơi nên nữ nhà văn tương lai có điều kiện quan sát tính cách của nhiều con người khác nhau để mô tả trong những cuốn tiểu thuyết của mình sau này.

Grazia Deledda học tiểu học ở Nuoro, ngoài ra còn học thêm tiếng Pháp. Bà đọc nhiều sách văn học, bắt đầu viết thơ và truyện ngắn từ 8 tuổi, năm 15 tuổi đã đăng truyện ngắn Giọt máu Sardinia trên tạp chí thời trang L'ultima moda. Năm 1891 in tập truyện ngắn đầu tiên, năm sau in tiểu thuyết đầu tiên Fior di Sardegna (Bông hoa vùng Sardinia). Deledda viết rất nhanh và rất nhiều, gần như mỗi năm một tiểu thuyết, đa số ghi lại những kỉ niệm hồi nhỏ ở Sardinia. Bà chịu ảnh hưởng của trào lưu hiện thực cuối thế kỉ 19, trong tác phẩm thường thể hiện đời sống cực nhọc và tinh thần đấu tranh dũng cảm của người dân Sardinia.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên thực sự thành công của Grazia Deledda là Elias Portolu (1903), đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở các nước châu Âu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là La madre (Người mẹ, 1920), kể về một vị linh mục quyết tâm dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và cho người mẹ của mình. Tiểu thuyết tự truyện Cosima ghi lại toàn bộ cuộc đời và tư tưởng của Deledda được xuất bản năm 1937, sau khi bà qua đời.

Năm 1926 Grazia Deledda được trao giải Nobel. Chủ đề quen thuộc trong các tác phẩm của Grazia Deledda là con người và thiên nhiên cùng hòa hợp để vượt qua những khó khăn, thể hiện cái nhìn lạc quan về cuộc sống ngay cả khi phải trải qua những đau khổ. Bà mất ở Roma 10 năm sau khi được giải Nobel.